1) Luôn tìm kiếm mã giảm giá trên internet:Không ngoa khi nói rằng thời đại tiêu dùng là thời đại khuyến mãi và giảm giá. Bạn luôn có thể bị mời gọi, quyến rũ bởi các chương trình giảm giá liên tục, đan xen của các thương hiệu, cửa hàng trong thành phố của bạn. Hãy nhớ 3 điều, thứ 1 là dù bạn rất thích món đồ, hương vị nào đó thì bạn luôn có thể tìm ra một thứ gần giống như vậy với giá chỉ 2/3. Thứ 2 là luôn có ai đó đang giảm giá và chờ bạn tới mua. Thứ 3, internet là cách tốt nhất giúp bạn lướt qua hàng trăm mặt hàng, cửa hàng với thời gian tối thiểu. Các bạn có thể đăng ký nhận mã giảm giá qua email, số điện thoại hoặc tìm kiếm trên các trang so sánh giá cả. Truy cập trực tiếp các siêu thị online cũng không tệ, hãy xây dựng một danh sách các trang mua sắm, sử dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm. Các kỹ năng cơ bản này có thể tiết kiệm cho bạn nhiều triệu đồng chi tiêu. Để tránh tình trạng spam, quảng cáo và lộ các thông tin cá nhân, bạn có thể sử dụng các thư điện tử hoặc số điện thoại dành riêng cho việc nhận các tin quảng cáo, mã giảm giá. Sẽ có một chút phiền phức, nhưng là đáng giá để giữ bạn được độc lập khỏi quá nhiều các tin nhắn mời mua sắm hàng giờ. 2) Sử dụng các chương trình thành viên: Các nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh, các trung tâm giải trí như xem phim, gameclub... đều cung cấp chương trình thành viên trung thành. Căn bản các chương trình giúp bạn mua sắm, trải nghiệm (xem, chơi) nhiều hơn, với số tiền ít hơn những người không đăng ký thành viên. Bạn mua, xem, chơi càng nhiều, bạn càng được giảm giá hoặc tích điểm thật lớn, sẽ giúp bạn nhận các phần quà, hoặc hưởng giảm giá nhiều hơn sau này. Nếu cảm thấy thực sự một "địa điểm" nào đó và có kế hoạch sử dụng lâu dài, các chương trình thành viên là lựa chọn rất tốt để tiết kiệm. 3) Tạo lập thói quen mua sắm theo ngân sách: Ngân sách là số tiền lớn nhất bạn có kế hoạch chi tiêu cho một mục đích cụ thể. Bao gồm từ tiền thuê nhà, mua xăng xe, mua sắm hoặc dành cho chuyến du lịch của mình. Trong dài hạn, ngân sách chi tiêu thực sự là trái tim của việc quản lý tài chính. Hãy tạo lập danh sách các khoản thu của bạn, danh sách những mục bạn cần chi tiêu, muốn mua sắm. Số tiền còn lại là số tiền bạn "nghĩ rằng" mình có thể tiết kiệm. Bởi vì bạn có thực sự tiết kiệm số tiền đó vào cuối tháng hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn có chi tiêu đúng trong ngân sách của mình hay không? Số tiền tiết kiệm sẽ trở thành năng lực chi tiêu cho tương lai của bạn. Việc chi tiêu quá nhiều trong hiện tại đồng nghĩa với việc sẽ giảm khả năng mua sắm trong tương lai. Nếu chi tiêu vượt quá nguồn thu, tình hình còn tệ hơn là bạn sẽ mắc nợ và phải trả lại số tiền đó trong tương lai. 4) Thanh toán dư nợ thẻ ín dụng khi đến kỳ: Thẻ tín dụng tuy chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng nó thực sự là công cụ thanh toán ưu việt nếu bạn biết cách tuân thủ luật chơi. Chỉ với thu nhập từ 6-8 triệu bạn có thể sở hữu cho riêng mình một chiếc thẻ tín dụng, có nhiều ưu đãi mua sắm của ngân hàng phát hành thẻ. Nói chung, không có khoản nợ nào là chỉ dấu bạn đang có một tình hình tài chính khỏe mạnh. Sở hữu và chi tiêu trên thẻ tín dụng là một dạng nợ tạm thời. Vì vậy, nếu bạn thanh toán các khoản nợ tới hạn, tức là bạn kiểm soát được chi tiêu của mình và thu nhập của bạn rất ổn định. Ít nhất là trang trải được cho các nhu cầu cơ bản. Nhớ rằng quản lý chi tiêu luôn bao gồm việc có được một khoản tiết kiệm. Nếu bạn đang có một khoản nợ từ thẻ tín dụng, hãy dùng số tiền tiết kiệm thanh toán nó càng sớm càng tốt. Lãi suất từ thẻ tín dụng rất lớn, có thể lên tới gần 30%. Tiền tiết kiệm lại có lãi suất rất thấp, thường là 6%. Vì thế dùng tiền tiết kiệm tất toán nợ là một hành động thông minh trong dài hạn. Quản lý tài chính là một quá trình phức tạp, hầu hết mọi người không thể làm tốt công việc này chỉ với suy nghĩ "mình sẽ quản lý tiền của mình". Bạn hãy sử dụng các tiện ích quản lý tài chính, trang bị thêm kiến thức tài chính, tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia tư vấn tài chính nếu có thể. (Theo vietnambiz.com).
Comments
Post a Comment